By: qpcons
Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng là Tổ trưởng đã có báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện nhiệm vụ.
Nhận diện vướng mắc tại các dự án bất động sản
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận là một trong số các địa phương có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp về các khó khăn tại các dự án bất động sản.
Tính đến ngày 04/5, Bộ Xây dựng đã tổ chức làm việc với các địa phương để trao đổi, nắm bắt thông tin, rà soát phân loại các khó khăn, vướng mắc và giải đáp, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đối với các dự án bất động sản tại tỉnh Đồng Nai, trước đó ngày 18/4, Bộ Xây dựng đã tổ chức Đoàn công tác vào làm việc trực tiếp với địa phương, nghe UBND tỉnh báo cáo và ghi nhận các khó khăn, vướng mắc của 07 dự án bất động sản liên quan đến việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch và bố trí quỹ đất để phát triển NƠXH (gồm: 03 dự án của Novaland – Khu dân cư Long Hưng; Khu đô thị Đồng Nai Waterfront; Khu đô thị Aquacity; 01 dự án của Novaland và Donacoop – Khu đô thị dịch vụ thương mại cù lao Phước Hưng; 02 dự án của Hưng Thịnh – Khu đô thị du lịch Nhơn Phước; Trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc văn phòng kết hợp khu dân cư phường Hố Nai và 01 dự án của DIC – Khu đô thị sinh thái Long Tân tại phường Hố Nai).
Ngay sau đó, ngày 26/4, Bộ Xây dựng cũng đã thông báo kết luận cuộc làm việc giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án bất động sản cụ thể trên địa bàn tỉnh này, cụ thể:
Đối với vướng mắc về quy hoạch như chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng của dự án đang triển khai thực hiện với quy hoạch chung thành phố Biên Hòa; một số dự án trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng có sai lệch, chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt…
Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo rà soát, đánh giá nội dung quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án và nội dung điều chỉnh quy hoạch Phân khu C4 trên cơ sở đang nghiên cứu đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045 để báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh quy hoạch phù hợp với Tiêu chuẩn, Quy chuẩn áp dụng đối với thành phố Biên Hòa.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cần rà soát các nội dung vướng mắc, bất cập của đồ án quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, có ảnh hưởng lớn đến an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội của địa phương (các dự án trọng điểm, cấp bách), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương cho UBND tỉnh Đồng Nai lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung này, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của địa phương.
Trong khi đó, theo báo cáo, dự án bất động sản của Novaland tại tỉnh Bình Thuận đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này, ngày 17/4, Tổ công tác đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị nghiên cứu hướng dẫn UBND tỉnh Bình Thuận tháo gỡ khó khăn trong việc phê duyệt giá đất, tính tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án theo thẩm quyền. Thời gian tới, dự án này sẽ được hướng dẫn cụ thể, chi tiết để thực hiện.
Gỡ khó về quỹ đất phát triển NƠXH
Đối với khó khăn, vướng mắc trong bố trí quỹ đất phát triển NƠXH tại các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng của các dự án được phê duyệt, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai căn cứ quy định của pháp luật về NƠXH trong từng thời kỳ để xác định quỹ đất đúng quy định, cụ thể:
Theo Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 (có hiệu lực thi hành từ ngày 08/8/2010) thì dự án nhà ở thương mại và khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên có trách nhiệm dành một phần diện tích đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để chính quyền địa phương phát triển NƠXH nhưng trong mọi trường hợp không vượt quá 20% diện tích đất ở của dự án…
Đến Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 (thay thế Nghị định số 90/2006/NĐ-CP) thì những địa phương có nhu cầu về NƠXH thì căn cứ vào điều kiện cụ thể, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định yêu cầu chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên có trách nhiệm dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các dự án này để xây dựng nhà ở xã hội.
Ngoài ra, theo Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 thì tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Mặt khác, tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 thì Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) và hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Mới nhất, theo Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ thì trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5 ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, đối với trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH theo quy định nhưng do có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.
UBND tỉnh Đồng Nai căn cứ quy định nêu trên để đề xuất các phương án bố trí phù hợp trong dự án hoặc trong phân khu C4 hoặc khu vực lân cận trong thành phố Biên Hòa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Tổ Công tác đánh giá, cơ bản các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đang gặp tại địa phương phải có nguyên nhân chủ yếu từ việc tổ chức thực hiện pháp luật của địa phương.
Bộ Xây dựng hiện đang chủ động, tích cực, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn để trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua trong thời gian tới.
Hà Khánh